top of page
Jenny Nguyen

Tiếng ồn - Khiếm khuyết trong đánh giá của con người

[BOOK REVIEW] Hồi mới vào THPT, tôi nghe theo lũ bạn đọc cuốn sách “Rừng Nauy” của Murakami. Trong đó tôi nhớ tới nhân vật Nagasawa, một người bạn đại học của nhân vật chính Watanabe. Nagasawa (cùng tuổi tôi hồi đó là 16 tuổi) là một thần tượng cho của một đứa trẻ mới lớn như tôi, thông minh, lạnh lùng, hiểu biết, quyến rũ, có xíu lập dị và rất nhiều bạn gái. Tôi ấn tượng nhất về Nagasawa ở cái gu đọc sách của cậu ta, cậu ấy chỉ đọc các cuốn sách nào đã được qua thử thách của thời gian, sách nào mà tác giả đã chết trên 25 năm. Theo Nagasawa, không phải cậu ấy không tin vào văn học đương đại, mà vì cuộc đời ngắn lắm, không muốn phí thời gian quý báo để đọc những thứ chưa được thời gian chấp nhận. Hay là “nếu bạn chỉ đọc những cuốn sách mà tất cả mọi người đều đọc, bạn chỉ có thể nghĩ tới điều tất cả mọi người đều nghĩ tới”.

Tôi là một đứa trẻ cứng đầu. Tôi học theo Nagasawa và quyết định, từ này về sau, mình sẽ chỉ đọc các tác phẩm cổ điển thôi. Nói là làm, từ đó trở đi trong tủ sách của tôi dần dần lấp đầy bởi hàng chục các tác phẩm từ các thế kỷ trước, các tiểu thuyết lãng mạn, kinh điển, các cuốn sách đã tồn tại qua hàng chục hàng trăm năm. Tôi không đọc các cuốn sách phi hư cấu (non-fiction), vì tôi nghĩ nếu tôi cần học kiến thức, tôi chỉ cần đọc sách giáo khoa (textbooks), còn nếu tôi muốn học về đời, tôi sẽ lấy các bài học đó từ các cuốn sách tiểu thuyết cổ điển. Ví dụ tôi sẽ đọc Cuốn Theo Chiều Gió mà hiểu hơn về tâm lý phụ nữ từ Scarlett và sự nam tính của Rhett, thay vì đọc một cuốn sách dạy về tình yêu hiện đại sau này.

Mọi thứ thay đổi khi vào năm cuối đại học, tôi được cầm trên tay cuốn sách Tư duy nhanh và chậm (Thinking fast and slow) của tác giả Daniel Kahneman từ một người bạn. Cuốn sách nổi tiếng, bán rất chạy, đương đại, và đương nhiên tác giả viết nó vẫn còn sống. Tôi gác cuốn sách lên giá không động tới (cứng đầu mà), nhưng vào một ngày cuối tuần rảnh rỗi chán chường, tôi tự bảo, hay mình đọc xem nó thế nào. Tôi đã tròn xoe mắt, ồ à thốt lên khi thấy nhiều điều về hành vi của con người được miêu tả trong cuốn sách quá thú vị. Tôi tự tưởng tượng bản thân mình vào các tình huống đó, cách mà hai trung tâm điều khiển trong bộ não tôi điều khiển các hành vi của tôi, một hệ thống bốc đồng, cảm tính, vô thức, còn một thống khác chín chắn, cân nhắc và tính toán. Tôi ngấu nghiên cả cuốn sách trong ngày hôm đó. Sau này nhờ đó mà tôi tìm đến rất nhiều các cuốn sách khác về tâm lý để thoả cái cơn khát mà Thinking fast and slow (TFAS) mang lại, các những cuốn gối đầu giường của bao người như Đắc nhân tâm của Dale Carnegie, Trí tuệ xúc cảm của Daniel Goleman, hay cuốn Phi lý trí (Predictably Irational) của Dan Ariely, tôi còn đọc cả các cuốn mà cá nhân tôi xếp vào “ăn xổi ở thì” như bộ ba cuốn sách của Malcolm Gladwell, và tất nhiên phải kể đến Cú hích (Nudge) của Richard Thaler và Cass Sunstein, nơi mà một lần nữa hai hệ thống trong bộ não, tư duy trực giác và tư duy phản xạ làm việc giao thoa với nhau để con người đưa quyết định. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, vẫn chưa có cuốn sách về tâm lý học hành vi, đặc biệt là kinh tế học hành vi (Behavioral economics) khiến tôi thoả mãn như Thinking fast and slow ngày nọ.

Bẵng một thời gian gần cả chục năm, tôi nghe tin Daniel Kahneman sắp ra một cuốn sách mới, và còn có thể là cuốn sách cuối cùng của ông, có tên là Noise: A Flaw in Human Judgment. Cuốn sách nói về một lý thuyết mà ông đã nghiên cứu trong nhiều năm qua về noise (tôi sẽ giải thích về học thuyết này sau), và sự thiên vị (bias). Cuốn sách là sự kết hợp giữa Dany với 2 ngôi sao khác trong behavior economics là GS Olivier Sibony và GS Cass Sunstein. Tôi vì thế mà háo hức lắm, đặt trước (pre-order) sách tới cả tháng. Tôi thực sự rất mong chờ để được đọc Noise.


Photo Credit: Bookbub

“Noise” có tất cả mọi thứ để khiến một cuốn sách có thể bán chạy. Nhóm tác giả nổi tiếng, giọng viết dễ hiểu, nhiều ví dụ thực tế xen lẫn với các giải thích mang tính khoa học, và cuối cùng là các bài học và ứng dụng và lời khuyên. Nhưng cũng có lẽ vì thế mà khác với TFAS là một cuốn sách về tâm lý, khi mà một nhà nghiên cứu tâm lý học đang cố gắng giao tiếp giải thích cái nghiên cứu của mình với số đông đọc giả, thì “Noise” lại cho tôi cảm giác của một cuốn sổ tay được soạn cho các nhà doanh nghiệp, nhà quản lý hơn là cho một ai đó đang khao khát được tắm táp trong cái kiến thức tâm lý học hành vi như tôi. Có lẽ một phần lý do là “Noise” là một thứ luôn tồn tại, mọi người đều biết nó có ở đó, trong tổ chức, doanh nghiệp, trong mỗi chúng ta, nên nó không phải là groundbreaking idea hay là một kiến thức hoàn toàn mới, có lẽ vì thế mà với tôi, nó không có quá nhiều food for the brain như TFAS.

Khi nhắc đến từ noise, có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến tiếng ồn, hay sự phân tán, nhiễu xạ và không tập trung. Đó là những điều khiến con người ta khó chịu (âm thanh ồn ào), hay là không mong muốn (các kết quả rời rạc không định hướng), và là thứ chúng ta muốn loại bỏ. Thì noise ở trong “Noise” cũng vậy, đó là những nhận định sai lệch con người không có hướng cụ cụ thể. Một sự chẩn đoán của bác sĩ, phán quyết của thẩm phán, hay một buổi phỏng vấn xin việc, tất cả đều có thể bị ảnh hưởng bởi kết quả một trận bóng tối hôm trước, của bữa ăn sáng không đầy đủ, hay đơn giản chỉ là vì thời tiết của ngày hôm nay thay đổi. Cùng một trình độ, một hoàn cảnh, tuy nhiên phán xét được đưa ra cuối cùng lại khác nhau. Đó chính là noise.

Tập trung của nửa đầu cuốn sách là phân biệt giữa noise và bias (sự thiên vị). Trích lời của Kahneman: “bias is the average error in judgments. If you look at many judgments, and errors in those judgments all follow in the same direction, that is bias. By contrast, noise is the variability of error. If you look at many judgments, and the errors in those judgments follow in many different directions, that is noise”. Bias là khi sự phán xét và quyết định của con người lệch hẳn có hệ thống (systematic departure) về một hướng so với lựa chọn đúng. Bias thường có thể được nhận ra dễ dàng, sự ảnh hưởng của văn hoá, giáo dục, giới tính, màu da, v.v. đều có thể là nguồn gốc của bias. Ví dụ như một nữ thẩm phán thường sẽ có xu hướng cảm thông với người vợ hơn trong phán quyết một cuộc ly hôn. Hay nếu các bạn quen thuộc với tác phẩm The Stranger (Kẻ xa lạ) của triết học gia người Pháp Albert Camus, khi mà nhân vật Meursault, một kẻ sống ngược với lối đi chung của xã hội, đã bị mọi người trong một phiên toà phán xét tội giết người vì lý do trước đó Meursault không rơi nước mắt trong đám tang của mẹ hắn. Camus có viết “In our society any man who does not weep at his mother's funeral runs the risk of being sentenced to death.” Chính vì những tác động như kia mà mà bias sẽ luôn khiến các quyết định lệch về một hướng cụ thể. Bias dẫn tới sự không công bằng và thiếu chính xác, noise cũng như vậy, nhưng noise thường không được chú ý tới và không được đánh giá cao, tuy nhiên noise lại có tác động không kém tới kết quả cuối cùng, như Danny từng nói “It is an invisible tax on the bottom line of many companies”, noise là một loại thuế vô hình đối với lời nhuận của nhiều công ty.

Tuy nhiên khác với bias, noise có thể được đo đạc và có thể né tránh nó. Cũng từ định nghĩa, noise là các sai lệch rời rạc, vậy nếu một công ty hay một cá nhận có thể chạy nhiều thí nghiệm thử và quan sát ghi chép lại các quyết định của mình, thì cuối cùng trung bình hoá (take the mean) của những biến thiên đó và nhìn vào cái điểm trung bình thì đó sẽ là một quyết định đúng đắn. Đây cũng chính là nội dung cửa nửa sau cuốn sách, khi trả lời câu hỏi noise đến từ đâu (How noise happens) và làm sao để phòng tránh và loại bỏ noise. Ở đây nhóm tác giả đưa một cách giảm thiểu noise thông qua decision hygiene, tức là cách làm vệ sinh các quyết định của mình thông qua 6 phương pháp, tập trung chủ yếu ở từ các đo đạc noise ở trên. Ví dụ như quyết định nên là sự kết quả trung bình của nhiều cá nhân, không phải là một người, luôn nghĩ về xác xuất sai lệch của quyết định với tư tưởng mở (open-minded), chia nhỏ vấn đề cần quyết định ra thành nhiều nhiệm vụ (tasks) nhỏ, v.v. Sử dụng máy móc, thuật toán cũng là một cách để giảm bớt noise, khi mà máy móc không bị “nhiễu” bởi các yếu tố khách quan khi ra kết quả, từ đó việc kết hợp giữa con người và thuật toán cũng là một chiến lược để loại bỏ noise của các công ty, doanh nghiệp sau này.

Tôi thích nhất trong cuốn sách có lẽ là phần 4 (part IV). Ở phần này, nhóm tác giả nói về cái kiến thức tâm lý học, cách bộ não hoạt động, đằng sau “Noise”. Ở đây thì hệ thống 1 (system 1) của bộ não được nhắc tới, cách nó hoạt động và tạo ra noise ra sao, và từ đó cách tác giả phân chia ra các loại noise khác nhau (system (level) noise, pattern noise). Ở phần này bạn sẽ hiểu được sự khác nhau giữa một người thẩm phán khoan hồng hay hà khắc (level noise), hay là thẩm phán đưa ra phán xét khác nhau với các trường hợp cụ thể (pattern noise), trong đó pattern noise cũng được chia ra thành 2 dạng, một dạng thẩm phán nghiêm khắc có hệ thống với các loại tội phạm này, nhưng nhẹ nhàng với tội phạm khác (stable pattern noise), hay là các thẩm phản bị ảnh hưởng bởi tác động của bên ngoài trong khoảng thời điểm đó mà đưa ra phán xét lệch (occasional pattern noise). Tôi thích thú phần này vì cuối cùng cũng có một lời giải thích mang tính liên quan tới khoa học thần kinh (neuroscience) cho hiện tượng noise. Tôi cũng thấy thú vị với các nghề nghiệp mà có thể tạo ra nhiều noise, chủ yếu là các nghề phải đưa ra các quyết định về con người và phải đưa ra sự quyết định khi đầu vào có quá nhiều biến số phức tạp (bác sĩ, thẩm phán, nhân sự, ngân hàng, bảo hiểm v.v.). Tuy nhiên có một số nghề theo như tác giả là “noise free”, ví dụ như nghề lái xe taxi, khi mà tài xế qua rất nhiều năm và đã thuộc sẵn kỹ năng cũng như các con đường trong thành phố, hay các nghề mà yêu cầu sự huấn luyện rất lâu và kỹ như du hành gia vũ trụ, họ không được phép đưa ra quyết định sai, và mọi tính toán đều phải chuẩn xác đến nhiều chữ số.

Tôi cũng chú ý là với những người học nhiều hơn (như có bằng cấp Tiến sĩ, bác sĩ) và làm chức vụ lớn hơn (như quản lý, CEO), thì lại càng dễ make noise. Lý do chính chủ yếu là do nhóm người này thường phải đưa ra quyết định một mình, liên quan tới rất nhiều người, và bản thân họ cũng quá ngạo mạn và không có một góc nhìn thoáng hơn để học hỏi từ các đồng nghiệp cùng hoặc dưới cấp.

Nên kinh nghiệm, kiến thức cao, sự luyện tập (training) là những điều có thể loại bỏ noise, nhưng nó cũng có thể là điều khiến quyết định bị noisy hơn.

Noise thường không tốt, tuy nhiên cuốn sách cũng không hề bảo rằng noise phải được loại bỏ hoàn toàn. Độ lệch đôi khi sẽ là điểm mạnh nếu như mình biết cách tận dụng nó. Hiểu được rằng noise tồn tại và từ đó tiếp cận nó với một open-minded sẽ mang được nhiều lợi ích. Có lẽ lợi ích rõ nhất là một con người khôn ngoan sẽ đưa ra sự phán xử của mình dựa vào tính trung bình của đám đông. Và bởi vì trong bất cứ nơi nào có sự phán xét, nơi đó sẽ tồn tại noise. Bạn sẽ không biết chắc chắn được hậu quả của quyết định của bản thân, nên việc giảm noise để có được quyết định đúng đắn và phán đoán tốt nhất luôn giảm thiểu các hậu quả của nó. Giống như việc bạn rửa tay, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc vậy, bạn sẽ bất ngờ vì ngoài tỷ lệ nhiễm Covid giảm, tỷ lệ nhiễm bệnh cúm mùa trong năm qua cũng giảm đi rất nhiều. Hãy luôn áp dụng các biện pháp decision hygiene (vệ sinh) cho dù bạn đang không thấy rõ mực độ noise của sự phán xét của bạn.

Bản thân tôi như đã viết ở trên, cuốn sách không quá khiến tôi hào hứng và cũng có một phần thất vọng. Ở một thời điểm nào đó lúc đọc, tôi còn có cảm tưởng tác giả của nó là Malcolm Gladwell chứ không phải là bộ 3 ngôi sao kia. Có lẽ tôi lại vẫn tiếp tục với sự chờ đợi một cuốn sách về tâm lý học hành vi nào đó trong tương lai mà có thể đánh bật được Thinking fast and slow? Hay có thể vì tôi đang bị hội chứng Anchoring (neo) của system 1 khi đánh giá cuốn sách này?

Tuy nhiên tôi vẫn học được nhiều bài học nhất định về noise và bias để cải thiện khả năng phán xét của mình. Đặc biệt trong công việc của tôi sau này khi ở vị trí cao hơn như nhóm trưởng (team leader), hay quản lý. Ngay bây giờ đây, một ví dụ nhỏ thì có lẽ sau khi đọc và hiểu hơn về noise, tôi sẽ công bằng hơn trong việc chấm bài thi luận cuối kì của sinh viên sắp tới bằng việc xây dựng ba rem điểm cụ thể và chi tiết, nhưng không quá chi tiết để vẫn thúc đẩy tính sáng tạo của sinh viên, luyện trước các tình huống có thể xảy ra, bàn luận với đồng nghiệp khi xây dựng ba rem (marking schedule), và giữ open-minded với các tranh luận của sinh viên. Nếu Thinking fast and slow và Nudge là phần 1 và phần 2 của một tập phim, thì Noise là phần 3 tiếp theo của bộ truyện dài kì kia. Cuốn sách vẫn rất đáng giá để bạn dành ngày cuối tuần của bản thân và vùi đầu vào thế giới và các bài học mà nó mang lại.

---- Credit: Cám ơn Luis Nguyen đã gửi review sách của bạn tới Happie Bookie. https://www.facebook.com/luis.nguyen1205




0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page