Sự thật về Phân Biệt Chủng tộc
- Jenny Nguyen
- Jun 15, 2020
- 4 min read
[Review Dài]
25 tháng 05 năm 2020, George Floyd bị ghì xuống bằng đầu gối của viên cảnh sát, ngạt thở tới chết. Kể từ đó, khẩu hiệu "Black Lives matter" lại trỗi dậy. Lần này, khác với những lần trước, sợ lo ngại về truyền nhiễm vi-rút corona không làm nhiều người chần chừ, họ xuống đường, biểu tình, không chỉ vì hành động tàn nhẫn của cảnh sát với Floyd, mà còn là do bao dồn nén từ những ức chế về số người da màu , thiểu số chết trong dịch Covid-19 (nhiều hơn hẳn người da trắng giàu có) và những uất ức về sự phân biệt chủng tộc từ quá khứ mãi không dứt.
Nhiều nhà lãnh đạo lên tiếng phản đối hành động kéo đổ tượng của các nhân vật lịch sử có dính dáng tới buôn bán nô lệ và kể cả những 'anh hùng dân tộc' phân biệt chủng tộc (bao gồm cựu TT Winston Churchill). Nhiều chính khách lên tiếng doạ nạt những người biểu tình về hành động chống đối cảnh sát, phá hoại của công và lây nhiễm virut trong cộng đồng. Nhiều người khác đặt câu hỏi : "Tại sao người da đen và da màu lại luôn giận dữ như vậy?".

(Ảnh của Refinery29)
Trước đây, tôi đã đọc và review 2 cuốn sách về Phân biệt chủng tộc: How to argue with a racist và People like us. Tuy nhiên, tôi vẫn hiếu kỳ về cuốn sách đặc biệt rất hot ở Anh này. "Why I am no longer talking to white people about race" của Reni Eddo-Lodge không phải là cuốn tự truyện hay 1 cuốn sách khoa học. Reni là 1 nhà báo trẻ tuổi, qua giảng đường đại học, nhận ra được nhiều điều hơn về lịch sử nô lệ, nạn phân biệt chủng tộc và những cấu trúc xã hội đầy bất công với cô và những người da màu khác.
Cuốn sách gây tiếng vang lớn tại nước Anh khi 'động chạm' tới chủ đề nhạy cảm, ngay cả trong vấn đề phân biệt chủng tộc vốn cũng cực nhạy cảm.
Chương 4: Fear of a Black Planet (tạm dịch: Nỗi sợ về hành tinh toàn người da đen) đề cập tới 1 nghiên cứu của Oxford về dự đoán năm 2066, người da trắng sẽ trở thành thiểu số trên chính đất nước Anh và buổi phỏng vấn khó quên, đi sâu vào tâm can với lãnh đạo của 1 đảng nhỏ, phân biệt chủng tộc tới mức cực đoan khi ông ta biết về nghiên cứu này. Reni phân tích "Thế nào là 1 người Anh? Người Anh phải trông như thế nào? Có phải điều này được định nghĩa bởi màu da của họ? Tại sao khi nước Anh đi đánh chiếm thế giới, 1 phần ép, 1 phần mua người da đen, đưa vào Anh, rồi bây giờ sau nhiều thế hệ con cháu, đòi đuổi họ ra khỏi đất nước họ đã sinh ra và cống hiến?....Tại sao người ta có thể tưởng tượng ra nhà ga 9 3/4, rồng và phù thuỷ nhưng không thể tưởng tượng ra 1 cô gái Hermione giỏi giang, nhân ái và dám phát biểu có nước da đen? ...". Những câu hỏi đó của Reni chắc hẳn sẽ khiến nhiều người đọc suy nghĩ về những suy nghĩ ẩn giấu sự phân biệt màu da trong mình.
Chương 5: The Feminism Question (tạm dịch: Câu hỏi về Bình đẳng giới) nói đến 1 vấn đề tôi ít thấy trên truyền thông và những cuốn sách khác. Người phụ nữ da đen khác với phụ nữ da trắng và khó có thể nói rằng các cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới đã thực sự hỗ trợ những người phụ nữ da đen. Reni sử dụng cụm "white feminism" để nói về vấn đề nhạy cảm: khi những người phụ nữ đòi bình đẳng, đáng lẽ tân tiến trong suy nghĩ lại vẫn có thể là những người phân biệt chủng tộc.
Mặc dù cuốn sách lấy tựa từ sự ức chế của tác giả khi không thể nào nói cho những người da trắng hiểu được vấn đề phân biệt chủng tộc, tác giả thực sự lại phải nói chuyện nhiều hơn với họ. Cô hy vọng rằng chính những người da trắng đọc cuốn sách này sẽ nói chuyện với những người da trắng khác, sử dụng những 'đặc quyền' (privilege) của mình để hỗ trợ những người da màu trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc.
Hơn hết, tôi rất thích 1 câu, rất hợp lý dành cho những chính trị gia:
Don't be anti-racist for the sake of being performative.
Cuốn sách được viết về vấn đề tại nước Anh. Vì thế người đọc có lẽ phải có sự gắn kết và hiểu biết về nước Anh, về hoàn cảnh xã hội và chính trị ở đây. Để hiểu hơn về vấn đề phân biệt chủng tộc tại Mỹ, tôi tin chắc rằng câu chuyện và hoàn cảnh sẽ rất khác biệt và bạn cần tìm hiểu thêm nữa.
Mua sách tại ĐÂY
Comments