[Review Sách]
Một cuốn sách phơi bày nguyên nhân thực chất của cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008, được viết bởi một nhà kinh tế “thực hành” – một người trực tiếp tham gia vào việc xây dựng các chính sách để khắc phục hậu quả do cuộc khủng hoảng này. Không hoàn toàn như chúng ta vẫn nghĩ rằng nguyên nhân là hiện tượng “too-big-to-fail” (các ngân hàng có tầm ảnh hưởng tới thị trường tài chính liên kết với nhau, và do đó khi một vài ngân hàng trong mạng lưới phá sản sẽ gây ra ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường), đó là bởi vì “chúng ta quá nghiện nợ” và việc chính phủ cho phép sự dụng quá mức tín dụng tư nhân để kích cầu nền kinh tế.
Nhưng chúng ta là ai? Các nhà chính sách công cần làm gì để xử lý nợ vượt ngưỡng (debt overhang)? Tác giả lập luận quan điểm mới mẻ rằng in tiền có thể không phải là điều cấm kị - là “quỷ dữ” đối với nền kinh tế, trong khi đó, tín dụng tư nhân (nợ) sẽ là điều cần thiết cho tăng trưởng chỉ khi số lượng tín dụng tư nhân được giữ ở mức cho phép, không gây hại tới sự ổn định của hệ thống tài chính. Mỗi công cụ đều có ưu điểm của nó, và chúng tạo ra rủi ro mà chính sách công phải cân bằng một cách có ý thức.
Sau đó, tác giả vạch ra những đề xuất mang tính chính sách như tại sao cần đánh thuế nợ, tại sao các chính sách tầm vĩ mô (macroprudential policies) nên được quan tâm và trở thành công cụ hữu hiệu để khắc phục sự yếu kém trong quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng và tại sao các chính sách trong tương lai nên tập trung vào kiểm soát hoạt động của thị trường tài chính (activity-based regulations) thay vì kiểm soát các thể chế tài chính (entity-based regulations).
Mới đầu khi đọc tên sách và nhìn độ dày, nếu không phải là người hay đọc sách về kinh tế, có thể bạn sẽ khựng lại vì cuốn sách có vẻ quá hàn lâm. Nhưng đừng lo, vì cuốn sách được viết bởi một người đã thực chiến trong cuộc khủng hoảng nên những gì được viết ra là một cái nhìn trực diện và sâu (tận đáy) của các hoạt động vĩ mô đang diễn ra xung quanh chúng ta và đặc biệt đã diễn ra như thế nào trước cuộc khủng hoảng 2008 mà hậu quả của nó còn đọng lại tận bây giờ. Bởi vậy, độc giả (đặc biệt là các học giả kinh tế, các ngân hàng, thể chế tài chính) cũng sẽ hiểu hơn các chính sách vĩ mô hiện hành được thiết lập (ví dụ: Basel III).
NOTE: Trên đây là Review Sách của Phạm Khánh Linh, Thạc Sỹ Kinh Tế Tài chính của Trường Paris 1 Panthéon Sorbonne khi tham gia Happie Bookie Club 08 (tháng 6/2020) với chủ đề "Cuốn sách Thay đổi cuộc sống của tôi".
Credit: ảnh của Khải Minh Books
Mua sách tại ĐÂY
Comments